48 giờ ở Măng Đen

Kon TumMăng Đen khí hậu mát mẻ, trong lành, là điểm nghỉ dưỡng được nhiều du khách lựa chọn ở khu vực Tây Nguyên.

Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, thường được ví như “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên. Thị trấn nằm ở độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái rừng phong phú, thích hợp cho các chuyến đi tránh nóng ngắn ngày. 48 giờ ở Măng Đen dựa trên trải nghiệm của Bình An, travel blogger ở TP HCM và của phóng viên VnExpress.

Hành trình 48 giờ xuất phát từ sân bay Pleiku, Gia Lai, điểm gần nhất nếu bay từ TP HCM, Hà Nội hoặc các địa phương khác. Nếu đi đường bộ từ TP HCM, du khách di chuyển khoảng 13-14 tiếng.

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Măng Đen

Ngày 1

Di chuyển đến Măng Đen

Đoạn đường từ Pleiku đến Măng Đen dài 105 km, thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng. Đường được trải nhựa đẹp, một vài đoạn đồi núi nhưng thoai thoải, dễ đi. Trên đường, du khách dừng nghỉ ở trung tâm thành phố Kon Tum.

ThNhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh: Trần Quỳnhăm nhà thờ gỗ Kon Tum

Nhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh: Trần Quỳnh

Nhà thờ Chánh tòa nằm trên đường Nguyễn Huệ, trung tâm TP Kon Tum, cách Măng Đen khoảng 50 km, thuận đường di chuyển. Công trình được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Do được làm hoàn toàn bằng gỗ nên người dân cũng như khách du lịch thường quen gọi là Nhà thờ gỗ.

Nhà thờ mở cửa các ngày trong tuần, chủ nhật đóng cửa các khung giờ lễ buổi sáng và chiều. Nếu đến không đúng giờ mở cửa, du khách tham quan bên ngoài.

Thưởng thức gỏi lá Kon Tum

Cách nhà thờ gỗ không xa là quán gỏi lá Út Cưng trên đường Trần Cao Vân, ngoài ra còn có quán Yến Vy, Sức Sống Mới.

Khi khách tới, chủ quán sẽ bưng ra một mâm bày kín các loại lá. Có khoảng 40-50 loại lá quen thuộc hoặc đặc trưng Tây Nguyên như cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng, lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì. Đồ ăn kèm được đặt chính giữa mâm thường có các đĩa thịt ba chỉ luộc, tôm đồng hấp, ớt xanh, tiêu sọ… và bát nước chấm đặc biệt là gạo nếp lên men, ủ với tôm khô, thịt ba chỉ, sau đó xay nhuyễn và nấu chín.

Mâm gỏi lá ở quán Út Cưng. Ảnh: Tâm Anh

Cách ăn gỏi lá đúng cách. Ảnh: Tâm Anh

Mâm gỏi lá ở quán Út Cưng. Ảnh: Tâm Anh

Cách ăn gỏi lá đúng cách. Ảnh: Tâm Anh

1 / 2

Gỏi lá Kon Tum từng được công nhận top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á.

Check in homestay

Măng Đen có nhiều khu lưu trú dạng homestay, và vài năm gần đây bắt đầu có các khách sạn lớn. Du khách nên chọn các homestay nằm giữa rừng thông và gần hồ Đăk Ke để tiện đi dạo ngắm cảnh trong không gian mát mẻ và lãng mạn. Đường đi lại ở Măng Đen thuận tiện, có nhiều chỗ đỗ ôtô rộng rãi.

Một số địa chỉ gợi ý: Đồi Gió Hú, Toki Boutique, Paradiso, Mây Lang Thang, Sun Homestay. Giá một đêm từ 500.000 đồng.

Thăm chùa Khánh Lâm lúc hoàng hôn

Chùa Khánh Lâm nằm trên một đỉnh đồi, là điểm du lịch tâm linh quen thuộc của khách du lịch khi đến Măng Đen, và cũng là nơi ngắm hoàng hôn. Từ cổng chính dưới chân đồi, du khách leo khoảng 200 bậc để lên chánh điện, sau đó đi ra lối cửa sau sẽ thấy đồi hoa. Đây là nơi ngắm trọn vẹn cảnh hoàng hôn vào những ngày đẹp trời.

Thưởng thức lẩu xuyên tiêu

Lẩu xuyên tiêu và nộm gà măng khô. Ảnh: Tâm Anh

Lẩu xuyên tiêu và gỏi gà măng khô. Ảnh: Tâm Anh

Món ăn cay cay đậm đà đặc biệt thích hợp trong không khí se lạnh của buổi tối ở Măng Đen. Nước lẩu được hầm từ các loại rau củ quả, kèm thảo dược như kỷ tử và táo đỏ. Nước dùng được hầm trong nhiều giờ để ra vị ngọt thanh tự nhiên và trong. Ăn kèm lẩu là nộm gà măng khô đặc biệt.

Ngày 2

Săn bình minh ở đồi cỏ lau

Đồi cỏ lau nằm trên đường đèo Măng Đen, cách cổng chào hơn hai km. Đỉnh đồi phủ cỏ lau, có góc nhìn thoáng, ngắm được bình minh. Đây cũng là điểm cắm trại nếu du khách thích trải nghiệm hoang sơ. Ngoài ngắm bình minh, nơi này cũng là điểm săn mây, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8.

“Nếu ở trong trung tâm Măng Đen, du khách phải khởi hành từ 5h, mặc ấm và sử dụng Google Maps để tìm đường”, An nói và cho hay có một con đường nhỏ dẫn lên đồi, có thể đi xe máy lên, nhưng đường đi hơi gập ghềnh. “Tốt nhất nên đi bộ”, An nói.

Thư giãn và ăn gà nướng ở thác Pa Sỹ

Gà nướng cơm lam. Ảnh: Bình An

Thác Pa Sỹ. Ảnh: Bình An

Gà nướng cơm lam. Ảnh: Bình An

Thác Pa Sỹ. Ảnh: Bình An

1 / 2

Thác Pa Sỹ chảy từ độ cao khoảng 50 m, là điểm đến không thể bỏ qua ở Măng Đen, nằm cách trung tâm thị trấn gần 10 km về phía tây. Vào khu du lịch, du khách mua vé với giá 20.000 một người. “Từ bãi để xe, du khách đi qua một cây cầu treo sau đó mới xuống thác, khoảng 300 bậc”, An nói.

Khung cảnh xung quanh thác yên bình. Tảng đá lớn ngay thác và cây cầu gần đó là điểm check in được yêu thích. Du khách nên dừng chân nghỉ ngơi và gọi gà nướng cơm lam ở đây để ăn trưa. Gà nướng chắc thịt, được chế biến tại chỗ, thơm ngon và nóng hổi.

Ngay ngoài đường vào thác Pa Sỹ còn có vườn tượng gỗ dành cho những du khách thích nghệ thuật.

Thăm các trang trại rau củ

Buổi chiều, du khách nên ghé một trang trại rau củ. Với khí hậu thuận lợi, Măng Đen có nhiều dự án rau sạch, nông trại kiểu mới. Có thể tìm tới bất kỳ trang trại nào để tham quan, chụp ảnh, và mua về làm quà các loại rau củ quả như cà chua, dâu tây, bắp cải mini, bí đỏ, rau cần.

“Đường vào những trang trại này là đường đất, trơn trượt nên nếu trời mưa du khách cần cẩn thận”, An nói và lưu ý thêm một số trang trại có thu phí tham quan.

Chụp ảnh ở đường vào thị trấn

Con đường giữa những hàng thông ở Măng Đen. Ảnh: Blog Mangden

Con đường giữa những hàng thông ở Măng Đen. Ảnh: Blog Mangden

Trên đường rời khỏi thị trấn, đừng quên dừng chân trên đường 24 (QL24), được coi là cung đường đẹp nhất Măng Đen. Đây là trục đường chính dẫn tới chợ Măng Đen, thác Pa Sỹ, cũng là đường ra – vào thị trấn. Đoạn đường này gây ấn tượng bởi hai hàng thông cao hai bên đường.

Lựa chọn thay thế

Còn một số điểm đến khác ở Măng Đen như làng du lịch cộng đồng Kon Pring, hồ Toong Đam, tượng Đức Mẹ Măng Đen, khu du lịch hồ Đam Bri. Du khách cũng có thể ở lại thêm một đêm để “sống chậm” hơn.

Leave Comments

0948157444
0948157444